33 năm chật vật của Pacific Airlines

Dù đã qua vài lần tái cấu trúc, đổi chủ, từng mơ có đội bay tới 40 chiếc, Pacific Airlines giờ thậm chí không còn tàu bay nào.

Vài năm trước, sau khi cổ đông Qantas tặng lại toàn bộ cổ phần cho Vietnam Airlines nắm 98% cổ phần, lãnh đạo Pacific Airlines khẳng định “sẽ tái cơ cấu toàn diện, mạnh mẽ để thành một hãng hàng không hoạt động hiệu quả”. Vietnam Airlines khi đó còn dự kiến tăng quy mô đội bay Pacific Airlines lên 30-40 chiếc để gia tăng sự cạnh tranh, đóng góp thêm lợi nhuận cho công ty mẹ.

Tuy nhiên, tham vọng của Vietnam Airlines, Pacific Airlines đã không thành. Vài ngày trước, tàu bay cuối cùng đã rời biên chế. Trong thời gian tái cấu trúc sắp tới, hãng sẽ thuê lại 3 tàu bay từ công ty mẹ và sử dụng chung một số cơ sở hạ tầng, nguồn lực phục vụ hành khách như quầy thủ tục, phương tiện phục vụ mặt đất với Vietnam Airlines.

Lần này, Pacific Airlines vẫn cho rằng động thái trả tàu bay là “cần thiết” để hãng phục hồi hiệu quả, thích nghi nhanh chóng với môi trường mới, giúp giảm gánh nặng nợ nần có thể lên đến hơn 200 triệu USD với các bên cho thuê tàu.

Như vậy, đây có thể sẽ là lần tái cấu trúc thứ tư của Pacific Airlines từ khi thành lập năm 1991 đến nay. Dù đã trải qua nhiều lần “kết hôn” với các nhà đầu tư khác nhau, gồm cả đối tác ngoại, chính lãnh đạo hãng cũng từng phải thừa nhận “mãi không thể bứt phá lên được”, và chìm trong thua lỗ.

Quá nửa chặng đường hoạt động, Pacific Airlines phải chật vật với việc thay đổi chủ sở hữu, cơ cấu cổ đông. Ban đầu, cổ đông lớn nhất của Pacific Airlines là Cục Hàng không dân dụng cùng 4 doanh nghiệp thành viên nắm đến gần 86,5% cổ phần. Năm 1993, Cục tái cơ cấu bộ phận khai thác thành Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) và toàn chuyển toàn bộ cổ phần tại Pacific Airlines cho Vietnam Airlines quản lý.